Góc nhìn chuyên gia: Lứa cầu thủ U23 cần được khai quật tài năng

Cần mạnh dạn “canh tân” đội tuyển quốc gia

Năm 2022 sẽ vô cùng bận rộn đối với bóng đá nước nhà, ông nhìn nhận thế nào về những mục tiêu cũng như thách thức cho năm mới?

Đầu tiên, cùng nhìn lại một chút về những được mất của bóng đá nước nhà trong năm 2021. Rất nhiều cảm xúc đan xen giữa niềm vui cùng nỗi buồn. Một kỳ AFF Cup không như kỳ vọng, rõ ràng không thể vui. V-League và hệ thống thi đấu chuyên nghiệp phải hủy bỏ cũng rất phiền lòng.

Chú thích ảnh
V-League chuẩn bị bước sang tuổi 22 cần được tái cấu trúc để mang lại nhiều lợi nhuận lẫn chất lượng. Ảnh: TT&VH

Tuy nhiên, chiến tích đi đến Vòng loại thứ 3 World Cup cũng đủ tự hào. Đội tuyển futsal cũng để lại dư vị ngọt ngào cho người hâm mộ. Nói gì thì nói, tất cả đã phác thảo nên một năm 2021 đáng nhớ với nhiều biến động không ngừng như thế.

Năm mới, rõ ràng bóng đá nước nhà bận rộn với rất nhiều giải đấu cùng nhiều mục tiêu. Vấn đề làm sao để những mục tiêu như thế được hoàn tất trọn vẹn. Dứt khoát phải có thay đổi, cải tổ trên nhiều phương diện. Từ việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cho đến mô hình chuyên nghiệp của mỗi CLB. Tiếp đến phải có sự làm mới của đội tuyển quốc gia, kịp thời nâng chất đội U23 Việt Nam cho SEA Games, vòng chung kết U23 châu Á.

Như đã nói ban đầu, dứt khoát đội tuyển Việt Nam phải có thay đổi về cả nhân sự cũng như cách chơi. Một đội tuyển quốc gia mạnh thường được dựa trên 2 yếu tố: Sở hữu lứa cầu thủ chất lượng và tạo ra được tính cạnh tranh cao trong lòng đội tuyển. Bây giờ, đội tuyển Việt Nam chưa thể có thêm được lứa cầu thủ chất lượng để bổ sung thì phải tạo được tính cạnh tranh để có động lực phát triển.

Do đó, thay đổi là điều hiển nhiên lúc này. Thay đổi để những nhân tố mới có được cơ hội, nắm bắt cơ hội thể hiện bản thân mình. Không chỉ thế, từ sự cạnh tranh như thế cũng khơi lại động lực của cầu thủ. Lâu nay, quá ít tính cạnh tranh, vì thế động lực của họ ít nhiều bị triệt tiêu.

Hơn thế, xu thế bóng đá hiện nay, các đội bóng phải biết chơi với nhiều mảng miếng chiến thuật khác nhau. Rất khó để chơi “một màu”. Phải có sự thích ứng, ứng biến tùy theo đối thủ và thời điểm. Vì thế, con người mới sẽ tạo ra được sự đa dạng, tươi mới trong chiến thuật. Bởi chiến thuật nào cũng dựa trên yếu tố con người.

Và tôi cũng nghĩ tới vấn đề thay đổi thế nào không chỉ mỗi mình HLV Park Hang Seo là đủ. Rất cần sự chung tay, kết nối và góp sức của cả hệ thống bóng đá nước nhà vào lúc này.

Đào tạo trẻ phải tiếp tục được chăm lo

Lứa U23 hiện nay đang nhận được nhiều so sánh khác nhau, ông nhìn nhận thế nào thế hệ cầu thủ này cũng như mục tiêu bảo vệ tấm HCV tại SEA Games 31?

Từ những so sánh như thế mới thấy những lát cắt đa chiều về công tác đào tạo trẻ hiện nay của bóng đá Việt Nam. Rõ ràng, thành công thời gian qua nhờ vào lứa cầu thủ trẻ chất lượng. Lứa cầu thủ được ra lò ở các trung tâm, địa phương làm công tác đào tạo trẻ truyền thống, uy tín lâu nay.

Chú thích ảnh
Đầu tư cho công tác đào tạo trẻ đang là hướng đi của các quốc gia trong khu vực. Ảnh: VFF