Review chi tiết đẻ dịch vụ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội|Mẹ Khoai

Review chi tiết đẻ dịch vụ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

“Đẻ ở đâu thì tốt” là một trong những câu hỏi lớn nhất của mọi mẹ bầu. Hồi còn bầu Khoai, mẹ Khoai đã nghe nhiều chị em thân thiết review tốt về khoa dịch vụ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nên cũng không phải đắn đo nhiều mà quyết chọn luôn sẽ đẻ ở đây. Hôm nay, mẹ Khoai sẽ chia sẻ lại những trải nghi

“Đẻ ở đâu thì tốt” là một trong những câu hỏi lớn nhất của mọi mẹ bầu. Hồi còn bầu Khoai, mẹ Khoai đã nghe nhiều chị em thân thiết review tốt về khoa dịch vụ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nên cũng không phải đắn đo nhiều mà quyết chọn luôn sẽ đẻ ở đây. Hôm nay, mẹ Khoai sẽ chia sẻ lại những trải nghiệm cho các mẹ bầu khác tham khảo nhé!

 

 

1. Lý do chọn đẻ dịch vụ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Thực tế, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (PSHN) không gần nhà mình cho lắm. Khoảng cách từ nhà mình đến viện này là 11 km. Nếu ưu tiên tiêu chí “gần nhà” thì có lẽ mẹ Khoai đã chọn ngay Bệnh viên Bưu điện hoặc Bệnh viện Bạch Mai. Vậy tại sao lại là viện PSHN?

Thứ nhất, như mẹ Khoai đã nói ở trên, từ khi bầu bí, mình đã được nhiều chị em bạn bè thân thiết review tốt về khoa dịch vụ tại PSHN, trong đó có cả review của những người đẻ thường lẫn đẻ mổ, vậy nên mình cảm thấy rất yên tâm khi chọn PSHN, cả về chất lượng chuyên môn lẫn chất lượng dịch vụ.

Thứ hai, mẹ Khoai thực ra hơi “lo xa” một chút. Mình đã luôn nghĩ rằng, chọn đẻ tại PSHN có một ưu điểm là viện này nằm ngay cạnh viện Nhi Trung Ương. Nếu chẳng may trong quá trình sinh hoặc sau sinh, con mình có gặp vấn đề trục trặc nào về sức khỏe, thì việc chuyển sang viện Nhi rất tiện lợi, nhanh chóng. Lần đầu sinh con mà, mẹ Khoai đã lo lắng rất nhiều thứ nên luôn muốn tính trước mọi việc. Các mẹ bầu, đặc biệt là bầu lần đầu tiên, chắc hẳn cũng sẽ có tâm lý này như mẹ Khoai phải không?

 

2. Làm hồ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

 

 

Tại PSHN, việc làm hồ sơ sinh thường bắt đầu vào tuần thứ 36 của thai kỳ. Kể ra thì hơi xấu hổ tí tẹo, nhưng mẹ Khoai rất ngại mấy khoản làm hồ sơ thủ tục, đặc biệt là ở bệnh viện vì đôi khi không hề có bảng biểu chỉ dẫn cụ thể nào. Vì thế, mình được các “đàn chị” tư vấn là trước khi làm hồ sơ sinh tại PSHN, từ khoảng tuần thứ 34, nên chọn khám thai tại phòng khám của bác sỹ làm tại viện PSHN (trước đó thì cứ khám ở chỗ nào gần nhà mình thôi cho tiện). Lý do nên tìm sẵn phòng khám của bác sỹ làm tại viện PSHN là:

Thứ nhất, nếu mẹ là một người “sợ đi làm thủ tục” vì lơ ngơ như mình, thì khi quen biết với bác sỹ làm ở viện, mẹ có thể hỏi bác sỹ về quy trình cụ thể khi đi làm hồ sơ sinh. Như vậy vừa đỡ mất thời gian, vừa làm được đúng quy trình, biết rõ thứ tự các bước cần làm khi đi làm hồ sơ.

Thực ra, quy trình nghe qua sẽ rất đơn giản, chỉ bao gồm các bước: mở sổ (lưu thông tin của mẹ), đóng tiền phí, xét nghiệm, siêu âm, nhận kết quả, lưu hồ sơ. Song, để hoàn tất các bước này thì mẹ cũng sẽ phải tốn ít nhất 1 buổi sáng. Vậy nên, để tránh những nhầm lẫn mất thời gian, mẹ vẫn nên tham khảo tư vấn của bác sỹ từ trước nhé!

Thứ hai, một ưu điểm khác khi mẹ thăm khám tại phòng khám riêng của bác sỹ làm tại PSHN, đó là: đến ngày mẹ “lâm bồn”, mẹ sẽ không phải thực hiện siêu âm lại thêm một lần nữa, vì kết quả siêu âm gần nhất của mẹ tại phòng khám của bác sỹ làm tại PSHN là kết quả được công nhận rồi (nếu mẹ đem theo kết quả siêu âm của bác sỹ nào công tác tại viện khác thì sẽ không được công nhận nhé).

 

 

Lưu ý:

– Khi làm hồ sơ sinh, mẹ có thể tự chọn bác sỹ đỡ đẻ cho mình. Nếu chưa muốn đăng ký luôn, mẹ có thể chờ tới khi trở dạ rồi đăng ký cũng được. Việc chọn bác sỹ nào đỡ cho mình, mẹ có thể tham khảo từ các mẹ đi trước.

– Sau khi làm xong hồ sơ sinh, nghĩa là mọi thông tin của mẹ đã được lưu lại bệnh viện rồi. Việc của mẹ chỉ là nhớ mã số hồ sơ của mình. Đến ngày nhập viện để đẻ, mẹ chỉ cần đọc mã số này cho nhân viên lễ tân để nhập viện ngay và luôn thôi!

 

3. Quá trình sinh và chăm sóc sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

3.1. Quá trình sinh

Mẹ Khoai đẻ Khoai là đẻ mổ nên chỉ xin phép review đẻ mổ dịch vụ tại PSHN thôi nhé các mẹ.

Thực ra, lúc mới nhập viện để đẻ Khoai, mẹ Khoai vẫn dự tính sẽ sinh thường. Trước ngày dự sinh 5 ngày, mình ra máu báo kèm những cơn co theo đợt, biết là sắp sinh nên mình tắm rửa sạch sẽ, ăn một bát cơm rồi vào viện luôn.

Vừa vào đến viện, mình được đưa ngay vào khoa dịch vụ (khu này rất sạch đẹp, sáng nhất viện nhé các mẹ). Đầu tiên, mình được đo độ mở cổ tử cung. Lúc này cổ tử cung mới chỉ mở 2cm thôi nên mình được vào phòng chờ nằm theo dõi. Trong lúc mẹ Khoai nằm chờ thì bố Khoai là người sẽ ký các giấy tờ thủ tục, trong đó bao gồm cả điền các nguyện vọng trong lúc sinh và sau sinh. Các mẹ nhớ lưu ý bước này nhé! Hãy tìm hiểu trước các dịch vụ để xem mình có muốn làm không như: mẹ có muốn gây tê màng cứng giảm đau không, có muốn lưu trữ máu cuống rốn của con không, có muốn lấy máu gót chân con (xét nghiệm sàng lọc) không… 

Trong quá trình theo dõi chờ sinh, bác sỹ khám cho mẹ Khoai nhận thấy mẹ Khoai mở tử cung quá lâu, đồng thời cho biết khung chậu của mình bị hẹp trong khi đầu con lại to, nên dự sẽ là một ca sinh khó nếu sinh thường, khuyến khích sinh mổ cho an toàn. Vậy nên, mẹ Khoai đã chuyển sang sinh mổ.

Sau khi ký các giấy tờ chuyển sinh mổ, mẹ Khoai được chuyển sang phòng mổ. Tại đây, các bác sỹ thực gây tê tủy sống. Đồng thời, mẹ Khoai còn đăng ký cả gây tê màng cứng (một phương pháp giảm đau trong 72h sau sinh).

Tất cả mọi thủ thuật được tiến hành cực kỳ nhanh, từ lúc bắt đầu gây tê đến khi khâu xong chỉ tầm 15’ thôi các mẹ ạ. Con vừa sinh ra được da áp da mẹ luôn. Đợt mình sinh Khoai đang là mùa đông nên các bác sỹ cũng chỉ để da tiếp da tầm 2 3 phút thôi vì sợ con lạnh.

Đặc biệt, các bé sinh ra sẽ được kẹp một vòng bảng tên ở cổ chân. Chiếc vòng này có ghi tên của mẹ kèm mã số riêng, được đeo ở cổ chân con suốt cho đến khi xuất viện. Mẹ cũng sẽ đeo một cái y hệt ở cổ tay mình. Đây là chiếc vòng dạng khóa một chiều (tức là chỉ khóa được chứ không mở được, muốn tháo ra thì phải lấy kéo cắt ra). Vậy nên các mẹ yên tâm là không có chuyện nhầm bảng tên con được đâu hehe!

Sau khi ra khỏi phòng sinh, mẹ sẽ được chuyển về phòng hậu phẫu nằm tầm 5 6 tiếng gì đó, còn con được bế ra cho người nhà xem mặt rồi cũng về phòng chăm sóc đặc biệt, sau đó sẽ được trả lại cho mẹ sau khi mẹ ra khỏi phòng hậu phẫu.

 

 

3.2. Sau khi sinh

– Phòng điều dưỡng sau sinh:

Mẹ Khoai đăng ký nằm phòng 2 giường, giá 750.000Đ/ngày đêm. Ngoài loại phòng này, các mẹ cũng có thể chọn loại phòng 1 giường, hoặc 4 giường, 8 giường, tùy vào nhu cầu và điều kiện của mình.

Với phòng 2 giường, mẹ Khoai đánh giá là khá sạch sẽ, thoải mái. Phòng này có nóng lạnh, điều hòa, ti vi, tủ lạnh, tủ đồ cá nhân đầy đủ, mỗi ngày có người dọn vệ sinh và thu rác 2 lần.

Ngoài ra, người nhà vào chăm sóc mẹ cũng được thuê giường xếp để ngủ lại với giá 20.000Đ/chiếc/đêm.

 

– Dịch vụ chăm sóc mẹ:

Một điều mà mình rất nhớ về dịch vụ chăm sóc mẹ sau sinh tại PSHN là sự đông đảo các y bác sỹ & nhân viên điều dưỡng. Sau khi sinh, mỗi ngày mẹ sẽ được 4 – 5 bác sỹ/điều dưỡng ra vào thăm khám, tiêm thuốc, hỏi thăm tình hình sức khỏe, hướng dẫn chăm sóc con… Có bất cứ vấn đề gì hay tắc mắc nào, mẹ chỉ cần hỏi bác sỹ là xong hết.

Mỗi ngày cũng sẽ có nhân viên đến giúp mẹ lau rửa vệ sinh, kiểm tra vết khâu, mang theo quần áo mới cho mẹ thay. À, trang phục cho các mẹ đẻ dịch vụ ở PSHN khá là dễ nhìn, sạch sẽ và mới, không hề xấu xí như trong tưởng tượng của mẹ Khoai trước đó.

Trước khi ra viện, mẹ sẽ được siêu âm kỹ lưỡng để xem đã đủ tiêu chuẩn ra viện hay chưa. Như mẹ Khoai vì không có vấn đề gì về sức khỏe nên chỉ cần nằm viện 4 ngày là đã được xuất viện rồi.

 

 

– Dịch vụ chăm sóc con:

Các bé yêu sinh tại khoa dịch vụ D3 sẽ được bệnh viện chuẩn bị sẵn các đồ tã lót, khăn quấn, mũ trùm đầu trong những ngày nằm viện. Bởi vậy, mẹ không cần mang quá nhiều đồ cho con đâu nhé!

Mỗi ngày, con sẽ có nhân viên điều dưỡng đến tắm cho. Việc tiêm chủng/xét nghiệm/khám cơ bản cho bé cũng sẽ có nhân viên đến nhắc người nhà đưa bé đến phòng riêng tại viện để thực hiện.

Đặc biệt, điều mà mẹ Khoai rất ấn tượng là kỹ năng, kinh nghiệm của các nhân viên điều dưỡng. Nếu bé đột nhiên khóc mà mẹ không hiểu lý do, dỗ mãi không được, thì hãy thử nhờ sự trợ giúp của các cô điều dưỡng nhé! Mẹ sẽ hiểu ngay “dày dạn kinh nghiệm” là như thế nào!

Cuối cùng, khi xuất viện, hai mẹ con còn được tặng một túi quà nho nhỏ nữa.

 

 

– Tổng chi phí:

Tổng chi phí của hai mẹ con Khoai, bao gồm chi phí đẻ mổ dịch vụ và các dịch vụ chăm sóc/thăm khám/thuốc men sau sinh cho cả hai mẹ con, là khoảng 22 triệu đồng. Trong đó, các chi phí chính bao gồm: chi phí đẻ mổ (11 triệu), chi phí nằm viện (3 triệu), chi phí giảm đau sau sinh (gây tê ngoài màng cứng – 3,6 triệu) và chi phí làm các xét nghiệm sàng lọc cho con (1 triệu).

Lưu ý về chi phí:

+ Dù sinh thường hay mổ, khi làm thủ tục nhập viện, mẹ đều phải đóng trước 20 triệu đồng tại quầy thu ngân của bệnh viện. Số tiền thừa/thiếu sẽ được thanh toán sau khi xuất viện.

+ Khi chọn đẻ dịch vụ thì đa số các khoản mẹ sẽ không được bảo hiểm thanh toán.

***

Hy vọng rằng, chia sẻ này của mẹ Khoai sẽ giúp ích cho các mẹ đang muốn tìm hiểu về đẻ dịch vụ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Chúc các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh và sau đó mẹ tròn con vuông nhé!