Đá trước, trả sau: Các hợp đồng “mượn” – Hình thức chuyển nhượng ưa thích của các đội bóng

Đã có rất nhiều trường hợp học theo cách làm của PSG: Việc “mua hàng trả chậm” này cho phép các câu lạc bộ có thể tiếp cận với những cầu thủ có chất lượng cao và mang giá trị nằm ngoài khả năng “mua ngay” của họ, trong khi vẫn tuân thủ luật FFP.

Nhìn bề ngoài, chiến thắng của Paris Saint-Germain trước Strasbourg vào tháng 2 năm 2018 là một chuyện hết sức bình thường, chẳng có gì đáng nhắc đến. Đúng là khá bất thường khi Strasbourg là đội ghi bàn dẫn trước từ khá sớm, nhưng lợi thế đó của họ cũng chỉ duy trì được vỏn vẹn 4 phút. Julian Draxler ghi bàn gỡ hòa. Neymar ghi bàn và Angel Di Maria cũng có một pha lập công cho riêng mình.

Image result for psg strasbourg 2018

 

PSG đã dẫn trước đối thủ 2 bàn sau 22 phút và giành chiến thắng chung cuộc với tỷ số 5-2. Strasbourg chỉ đơn giản là một đối thủ khác bị gạt sang một bên trong sự thống trị tuyệt đối của đội bóng thủ đô tại giải vô địch hàng đầu nước Pháp.

Tuy nhiên, ý nghĩa bên trong của trận đấu đó lại rất quan trọng: Giành chiến thắng tại trận đấu này cũng có nghĩa là PSG sẽ phải trả cho Monaco – đội bóng đang xếp thứ hai tại Ligue 1 vào mùa giải đó – 200 triệu Dollar. 
 

Các hợp đồng mượn- Hình thức chuyển nhượng ưa thích của các đội bóng hình ảnh
 

Mùa hè trước đó, không lâu sau khi làm chấn động cả quốc tế bằng cách mua về Neymar, PSG đã đạt được thỏa thuận hợp tác với Moncaco để ký hợp đồng với Kylian Mbappé, một ngôi sao 5 cánh trẻ đầy kĩ năng. Quá trình dàn xếp thương vụ làm ăn này không đơn thuần như trong vụ Neymar, khi mà PSG chỉ cần phải chi ra một khoản tiền thậm chí còn còn lớn hơn cả số lượng thiết yếu để phá vỡ hợp đồng của cầu thủ người Brazil với Barcelona .

Thay vào đó, PSG đã mang Mbappé về Parc des Princes theo dạng cho mượn trong một mùa, với một điều khoản trong bảng hợp đồng đã ký với Monaco có ghi rằng họ sẽ phải trả một khoản phí đã định -180 triệu Euro, tương đương với 200 triệu Dollar, cộng với tiền thưởng – nếu đội bóng thủ đô đạt được một số “mục tiêu” nhất định. Trên thực tế, trong số đó chỉ có một “mục tiêu” mang tính quyết định tất cả: PSG sẽ “bị buộc” phải mua đứt Mbappé ngay khi họ có được một khoảng cách an toàn – về mặt điểm số – với nhóm xuống hạng của giải đấu. Đó chắc chắn là chuyện “dễ như ăn kẹo” với đội bóng thủ đô. PSG sẽ chỉ phải đợi đến tháng hai, và tiếng còi cuối cùng trong cuộc đối đầu với Strasbourg vang lên để đạt được mục tiêu đó. 
 

Nguyên nhân khiến cho PSG đề ra một thỏa thuận “nực cười” như vậy không khó để nhận ra: Họ nhận thức rõ rằng, với việc mua cả Neymar lẫn Mbappé trong cùng một kì chuyển nhượng, rất có thể, sẽ khiến họ lần thứ hai vi phạm các quy định của “Luật công bằng tài chính”, chính vì vậy, PSG đã quyết định thực hiện một thỏa thuận “mượn kèm theo điều khoản bắt buộc mua đứt” với Monaco trong thương vụ Mbappé để cho phép họ có thể phân bổ tổng chi phí đầu tư vào cầu thủ này qua hai giai đoạn đánh giá và tránh đi khả năng bị phạt nặng, hoặc, tệ hơn nữa, là bị cấm thi đấu ở đấu trường châu Âu. 
 

Chiến lược này đã phát huy hiệu quả. Như đã diễn ra trong vài năm qua, kì chuyển nhượng mùa hè năm nay đã xuất hiện một loạt những thỏa thuận có vẻ như rất hữu ích trong việc giúp cho các câu lạc bộ có thể vừa hoạt động bên trong ranh giới của “luật công bằng tài chính” vừa không bị giảm đi sức mua của họ; ngày càng có nhiều câu lạc bộ đã hoàn toàn từ bỏ các thỏa thuận, giao dịch truyền thống và tìm kiếm những cách thức mới để làm việc trên thị trường chuyển nhượng. Mùa hè năm nay lại là một kì chuyển nhượng khác tràn ngập kiểu làm ăn “mượn kèm theo nghĩa vụ bắt buộc mua đứt.” 
 

“Các đội bóng đang thích nghi với môi trường mới, giống như khi họ thích nghi với phán quyết Bosman vào năm 1995,”  Omar Chaudhuri, một giám đốc tại cơ quan nghiên cứu và phân tích bóng đá 21st Club, nhận định. 
 

Các số liệu mà Chaudhuri đưa ra sẽ cho thấy sự gia tăng đáng kể của số lượng các giao dịch “mượn” cầu thủ mà về sau đã trở thành “mua đứt” tại khắp 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu trong những năm gần đây. Ví dụ, một thập kỷ trước, chỉ có nhiều nhất 10 cầu thủ ở Anh, Tây Ban Nha, Đức và Pháp là được bán đứt cho các câu lạc bộ mà trước đó họ đã thi đấu 1 mùa giải theo dạng cho mượn.
 

Philippe Coutinho sang Bayern
 

Mùa hè năm nay, con số đó là 32. Năm tới nữa chắc chắn cũng sẽ là một con số lớn tương tự: Bayern Munich đã mang cả Philippe Coutinho và Ivan Perisic về Bavaria theo dạng “mượn kèm theo tùy chọn mua đứt”; Thỏa thuận mà Tottenham đã đạt được cùng Real Betis để ký hợp đồng với Giovani Lo Celso là mượn kèm theo điều khoản bắt buộc mua đứt (lần thứ hai của cầu thủ này chỉ trong 2 năm), Inter Milan cũng đã chiêu mộ tiền vệ Nicolo Barella từ Cagliari theo cách thức tương tự, bên cạnh hàng tá những cái tên khác cũng được chuyển nhượng theo cách đó. (Theo Chaidhuri lưu ý, Serie A là một sự “khác biệt rất lớn”, đây là nơi mà các bảng hợp đồng mượn luôn được sử dụng phổ biến hơn các giải đấu khác, và trong năm nay, điều đó càng trở nên rõ rệt hơn : Một thập kỷ trước, tại đất nước này có 5 thương vụ “mượn”, còn trong năm nay là … 35)
 

Có một số thương vụ “mượn” được kèm theo “tùy chọn mua đứt” với một khoản phí đã định cho bên mượn, nếu cầu thủ đó thi đấu thành công và chứng minh được khả năng. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, có những thương vụ đi theo mô hình của Mbappé: Kiểu mượn như vậy, về bản chất, là một hình thức “bán hàng trả chậm”.

Theo một giám đốc điều hành tại một đội bóng, đây là một kiểu đánh lạc hướng bằng cách dùng từ: Để không làm dấy lên sự nghi ngờ của các kiểm toán viên của UEFA, thì cái “điều khoản bắt buộc mua đứt” kia phải dựa vào việc những điều kiện, mục tiêu cụ thể nào đó đã đặt ra trong bảng hợp đồng phải được hoàn thành, nhưng những điều kiện, mục tiêu đó thường được đặt ở mức độ cực kì thấp, đến mức mà không có chuyện đội mượn không thể đạt được chúng. (giống như điều khoản bắt buộc PSG phải mua đứt Mbappé nếu có được một khoảng cách an toàn – về mặt điểm số – với nhóm xuống hạng như đã đề cập ở trên).
 

Đã có rất nhiều trường hợp học theo cách làm của PSG: Việc “mua hàng trả chậm” này cho phép các câu lạc bộ có thể tiếp cận với những cầu thủ có chất lượng cao và mang giá trị nằm ngoài khả năng “mua ngay” của họ, trong khi vẫn tuân thủ luật FFP. Ví dụ, đó là lý do vì sao lời đề nghị mà Barcelona đã gửi đến cho PSG gần đây nhất trong thương vụ Neymar không phải là “mua”, mà là “mượn kèm theo điều khoản mua đứt”, tương tự như thương vụ Mbappé trong quá khứ. 
 

Neymar
 

Kiểu dàn xếp này cũng có thể mang đến lợi ích cho những câu lạc bộ đang muốn thanh lý bớt cầu thủ và không chỉ trong việc giảm đi gánh nặng về tiền lương vào thời điểm mà quỹ lương đã phồng to đến mức ít câu lạc bộ nào bên ngoài những giải đấu giàu có nhất châu Âu có thể đáp ứng được. Theo như các kế toán viên tại nhiều câu lạc bộ, việc đảm bảo thu nhập trong tương lai sẽ cho phép các đội bóng dự đoán chính xác hơn tổng doanh thu của họ trong các mùa giải ở phía trước. “Đây là một khái niệm tương đối mới, nhưng lại đang được thực hành khá tốt,” Chaudhuri cho biết.
 

Tuy nhiên, đó không phải là sự thay đổi duy nhất từ những tác động của FFP đã xuất hiện ở thị trường chuyển nhượng. “Có rất nhiều những cách thức khác đã được sáng tạo ra bởi các câu lạc bộ,” Esteve Calzada, giám đốc điều hành của công ty môi giới và tiếp thị thể thao Prime Time Sport, và là cựu giám đốc Marketing tại Barcelona, cho biết.
 

Các “hợp đồng mượn dài hạn” đã trở nên ngày càng phổ biến – Chelsea đã đưa ba tiền đạo đến Atletico Madrid theo dạng hợp đồng như vậy trong những năm gần đây – trong khi đó, “recompra”, một điều khoản hợp đồng từ lâu đã là đặt trưng tại thị trường chuyển nhượng tại Tây Ban Nha, trong đó, bên bán có quyền mua lại một cầu thủ đã bán với một khoản phí đã định, đang lan rộng khắp châu Âu.
 

Càng ngày, các đội bóng không chỉ xem xét các dự báo tài chính của riêng họ, mà còn của cả các đối thủ của họ nữa. Chẳng hạn, một số đội bóng ở Premier League đã theo dõi ngân sách của các câu lạc bộ trên khắp châu lục, để xem những cái tên nào có nguy cơ vi phạm các điều luật của FFP, và tận dụng điều đó để không bị làm khó khi họ tiếp cận và đưa ra đề nghị về những cầu thủ dư thừa của các câu lạc bộ đó. Ví dụ, cùng trong mùa hè mà PSG đã mua cả Neymar lẫn Mbappé, Tottenham đã chiêu mộ thành công Serge Aurier từ Paris, vài tháng sau, họ lại tiếp tục lấy đi Lucas Moura từ đội bóng thủ đô nước Pháp.
 

Một ví dụ khác là trường hợp của hai thủ môn Jasper Cillessen và Neto. Vào tháng 6, Cillessen đã chuyển đến thi đấu cho Valencia từ Barcelona với mức phí 35 triệu Euro. Ngày hôm sau, Neto đã chuyển từ Valencia sang Barcelona với mức phí 26 triệu Euro, kèm theo 9 triệu phí phát sinh. Calzada đã phân tích thương vụ này như sau: Cillessen muốn được ra sân thi đấu thường xuyên hơn sau 2 năm phải làm phương án dự phòng cho Marc Andre Ter Stegen tại Camp Nou; trong khi đó, mối quan hệ của Neto và huấn luyện viên của anh tại Valencia đã xấu đi, và anh đã tận dụng cơ hội này để được khoác áo Barcelona.
 

Thu mon Neto ra di theo chieu nguoc lai
 

Mặc dù vậy, bản chất của các giao dịch – không phải là một thương vụ trao đổi ngay hai cầu thủ, mà lại thông qua hai thương vụ riêng biệt và làm cho các con số trở nên bằng nhau – và đặc biệt là thời gian chúng diễn ra cũng rất đáng nói, vào giai đoạn cuối của kì kế toán FFP cho mùa giải trước. Đây dường như là một cách để hai câu lạc bộ có thể đảm bảo các sổ sách kế toán của họ đều ổn thỏa, trong khi không làm suy yếu đi đội hình của mình. 
 

Đối với những người giám sát thị trường chuyển nhượng bóng đá, có một sự thật là các quy định của UEFA – và mối đe dọa trừng phạt nếu không tuân thủ chúng – sẽ thay đổi cách hoạt động của các câu lạc bộ.
 

“Giờ đây, chúng ta đang có một bộ khung pháp lý rất linh động và đầy chủ động,” Mark Goddard – cựu giám đốc của Transfer Matching System (T.M.S) – Hệ thống chuyển nhượng quốc tế của FIFA, một cơ quan đảm nhận nhiệm vụ giám sát thị trường chuyển nhượng trên toàn cầu – cho biết. “Bạn đã có FFP, giờ đây bạn còn có thêm TMS. Các câu lạc bộ đang hoạt động, thay đổi và thích ứng bên trong những khuôn khổ đó.”  
 

Mùa hè năm nay – giống như những mùa hè đã qua – chính là hệ quả của việc thay đổi và thích ứng đó. Các câu lạc bộ đang thay đổi để thích ứng với môi trường mới, tìm kiếm và sáng tạo ra những cách thức mới để tiêu tiền, nhưng luôn đảm bảo rằng, bất kể những quy tắc có là gì, họ vẫn có thể đạt được thứ mà họ muốn, người mà họ cần, ngay cả khi phải chờ đợi lâu hơn một chút để đạt được mục đích. 
 

Lược dịch từ bài viết “Play Now, Pay Later: How Loans Became Soccer’s Favored Accounting Tool” của tác giả Rory Smith, đăng tải trên The New York Times.

NAM KHÁNH (TTVN)